Trước đo, Tổng thống Donald Trump xác nhận rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp ước quan trọng về vũ khí hạt nhân với Nga.
Phát biểu với các phóng viên, ông Trump nói rằng Nga đã "vi phạm" Hiệp định Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987.
Hiệp định này cấm triển khai và thử toàn bộ các loại tên lửa tầm trung phóng từ trên mặt đất, với tầm bắn từ 500 đến 5.500km.
Hoa Kỳ sẽ không để Nga "ra ngoài và sản xuất vũ khí [trong khi] chúng ta thì không được phép," ông Trump nói.
"Tôi không hiểu sao Tổng thống [Barack] Obama không đàm phán hoặc rút lui," ông Trump nói. "Họ đã vi phạm trong nhiều năm."
Hồi 2014, Tổng thống Obama cáo buộc Nga vi phạm INF sau khi Moscow bị cho là đã thử phóng đi từ mặt đất một tên lửa tuần du. Ông đã chọn không rút khỏi hiệp định do áp lực từ phía các lãnh đạo châu Âu, những người nói rằng hành động đó có thể dẫn tới việc tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang.
Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga nói rằng bước đi của Mỹ xuất phát từ động cơ "mơ có một thế giới đơn cực", nơi chỉ có một siêu cường thế giới, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti tường thuật.
Mỹ nói rằng Nga đã vi phạm hiệp định, đã phát triển một loại tên lửa tầm trung mới có tên Novator 9M729, được Nato biết đến với tên gọi SSC-8.
Loại vũ khí mới này sẽ cho phép Nga tấn công hạt nhân vào các nước Nato rất nhanh ngay sau khi ra thông báo.
Nga không mấy nói gì tới loại tên lửa mới của mình, ngoại trừ việc bác bỏ cáo buộc theo đó nói Moscow đã vi phạm thỏa thuận.
Các nhà phân tích nói Nga coi các vũ khí đó là lựa chọn rẻ hơn so với các vũ khí quy ước.
Đây là hiệp định song phương giữa Washington và Moscow. Trung Quốc không tham gia ký kết hiệp định, cho nên có thể phát triển các tên lửa tầm trung mà không bị hạn chế gì.
Tờ New York Times hôm thứ Sáu tường thuật rằng Mỹ đang cân nhắc việc rút khỏi hiệp định này nhằm đối phó với sự hiện diện quân sự đang ngày càng mở rộng của Trung Quốc tại tây Thái Bình Dương.
Tổng thống Trump nói: "Trừ phi là Nga đến chỗ chúng ta, Trung Quốc đến chỗ chúng ta, tất cả họ đều đến và nói, 'Hãy để chúng ta trở nên khôn ngoan, không ai trong chúng ta phát triển những thứ vũ khí đó,' thế nhưng nếu Nga đang phát triển, Trung Quốc đang phát triển còn chúng ta lại chịu bó buộc với cái thỏa thuận này, thì thật là không thể chấp nhận được. Cho nên chúng ta có một khoản tiền khủng để chi cho quân sự."
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton được trông đợi sẽ nói với phía Nga về việc Mỹ rút khỏi hiệp định trong các cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong tuần này.
Lần cuối cùng Mỹ rút khỏi một hiệp định kiểm soát khí quan trọng là hồi 2002, khi Tổng thống George W Bush đưa Hoa Kỳ ra kỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo.
Bước đi của chính quyền ông Bush nhằm tạo một lá chắn tên lửa tại châu Âu đã khiến Kremlin báo động, và sau đã bị chính quyền ông Obama dỡ bỏ vào 2009. Nó được thay thế bằng một hệ thống phòng thủ được điều chỉnh lại hồi 2016.
News